HUY ECO

Coffee farmer
Business & Freedom


[Giới thiệu Sách] - Nào tối nay ăn gì - Micheal Pollan

[Giới thiệu Sách] - Nào tối nay ăn gì - Micheal Pollan
“Thay vì chỉ ăn độc nhất từ Mặt trời, giờ đây con người bắt đầu nhấm nháp dầu mỏ”

Viết ngày 13/04/2019
Dưới đây là ghi chép và giới thiệu nhanh của tôi sau khi đọc sách cuốn sách “Nào tối nay ăn gì” (tựa tiếng Anh The Omnivore’s Diltôima ) của Micheal Pollan. Bài viết sẽ chia thành từng phần, trong đó trích đoạn những ý chính và tôi yêu thích, đồng thời là cảm nhận cá nhân tôi về từng phần đó. 

Tất nhiên, đây là một cuốn sách nói về nhiều khía cạnh xung quanh vấn đề ăn uống của con người, nhưng có vài phần như công việc săn bắn và quan điểm ăn chay của tác giả sẽ không được tôi bàn đến do nó không nằm trong mối quan tâm của tôi ở thời điểm hiện tại.

Đây là một cuốn sách khá kinh điển và đáng tham khảo, được ra đời năm 2006 nhưng đến nay giá trị vẫn còn rất cao và tiếp tục được mọi người đánh giá và giới thiệu với nhau. Tác giả Pollan hiện đã xuất bản rất nhiều sách và phim tư liệu liên quan tới thực phẩm và nông nghiệp, mọi người quan tâm có thể tìm hiểu trên Internet. Xin cảm ơn 
Thông tin:
Tên sách: Nào tối nay ăn gì (The Omnivore's Diltôima)
Tác giả: Micheal Pollan
Dịch giả: Trần Hoa
NXB Thế Giới và Nhã nam
Xuất bản năm 2016 (tại Mỹ là 2006)
Số trang: 479

I. Thực vật và động vật (hay dòng chảy hình thái của ngô rẻ)

20200611 083354

Phần này tác giả đi tìm nguồn gốc của thực phẩm được bày bán trong siêu thị và các cửa hàng thực phẩm sạch, và phần lớn nó dẫn ông đến với trang trại chuyên canh ngô và đậu nành ở các vùng đất canh tác rộng lớn ở Mỹ. Ông ngạc nhiên nhận ra đa số thực phẩm sau chế biến của con người đang ăn hiện nay là bắt nguồn từ ngô và ảnh hưởng mang tính thống trị của nó trên quy mô toàn cầu. Từ sơ khai là loài thực vật bản địa châu Mỹ, ngô đã tiến hóa và cộng tác với con người, bằng các con đường canh tác chuyên canh và sự hỗ trợ của chính phủ, giờ đây năng suất ngô cực kỳ cao và giá rẻ đến mức vô lý.

Từ sự dư thừa ngô rẻ này, người ta nghĩ đến việc chế biến hàng loạt thực phẩm từ ngô, bao gồm cả rượu ngô, siro ngô ngọt và đặc biệt là biến các loài động vật ăn cỏ và ăn tạp phải ăn ngô như bò, heo hay gà. Từ ngô và đậu nành, người ta xây dựng nên những “bức tường” cơ bản gồm Cacbon và Protein, sau đó sử dụng các loại hóa chất tạo mùi, đóng gói chúng, dán nhãn thương hiệu và đưa nó vào siêu thị. Như vậy có thể nói dù ta cố tránh ngô và đậu nành biến đổi gen (GMO) của Monsanto, chúng ta vẫn cứ đang sử dụng thực phẩm biến đổi gen thông qua các sản phẩm chế biến ở siêu thị.

II. Những người nông dân

20211222 020500165 iOS

 
"Con người trở thành công cụ cho chính công cụ của họ"
Một hệ lụy tự nhiên của việc thay vì phụ thuộc năng lượng từ Mặt trời bằng dầu mỏ, nông dân sẽ chịu sự biến động của giá cả đầu vào với các biến số không đoán trước được và phải phụ thuộc vào dầu mỏ. Đồng thời với cách sản xuất ồ ạt khiến thực phẩm ngày càng rẻ, thì đất đai cũng ngày càng bị thoái hoa do dầu mỏ thì không đủ để bù đắp vào độ màu mỡ mà cây trồng lấy đi, và lối canh tác của con người khác biệt rất lớn với cách bồi dưỡng đất của tự nhiên.

Nông dân Mỹ từ sau Cách mạng Xanh bùng nổ, với sự trợ lực của giống lai và phân bón hóa học; cùng với quỹ đất đai màu mỡ - mà hàng nghìn năm trước - là đồng cỏ tối cổ được bồi đắp hằng năm bởi các dòng sông - với lớp đất mặt dày hơn 2 mét (so với đất rừng nhiệt đới, lớp đất của ta chỉ dày khoảng 20-50cm, đồng thời đất dốc không phù hợp cho máy móc). Bằng giống lai mua ở các trung tâm, phân bón và máy móc hiện đại (với khoản vay lớn), giờ đây họ chỉ canh tác một loại cây trồng là bắp và đậu nành (Do máy chỉ phù hợp cho canh tác nó), và chịu phụ thuộc bởi sự điều phối của thị trường, giá cả siêu rẻ. Thật khó tin rằng những người nông dân trong tác phẩm của Pollan phải chịu cảnh nợ nần, sống bằng cách làm thêm bên ngoài và bằng khoản trợ cấp nông nghiệp của chính phủ hằng năm dù sở hữu hàng trăm hecta đất.

Dĩ nhiên, chính phủ cũng được lợi từ việc giữ cho giá ngô rẻ, giống như lúa gạo của Vietnam thì chúng đều là cây lương thực, có thể trữ lâu và buôn bán quốc tế. Công tác đảm bảo an ninh lương thực của các chính trị gia giúp họ có vị thế trong đàm phán quốc tế, tạo quyền lực chi phối lương thực (thứ không thể thiếu trong bữa ăn) với các quốc gia khác không sản xuất được lúa gạo và ngô. Đối với Mỹ còn là bán công nghệ gen và máy móc nữa.

Trong một nỗ lực tuyệt vọng trong việc tăng năng suất, nông dân thì luôn tự hào vì thành tích năng suất mình đạt được, nhưng kỳ thực là đất đai ngày càng bị thoái hóa, giá sản phẩm ngày càng rẻ, và như Thoreau từng nói từ thế kỉ 19: Họ trở thành công cụ lao động cho thứ máy móc mà mình sở hữu.

III. Hữu cơ, công nghiệp hữu cơ và giá trị bền vững

20220112 144722904 iOS



Khởi nguồn của hữu cơ là những nhóm người cố gắng phản đối việc chi phối của chính phủ trong nông nghiệp, những người - mà đa số là - có lối sống kiểu Hippie, cố gắng tạo một khu vườn nhỏ cho riêng mình và không sử dụng bất cứ hóa chất nào. Đồng thời, như trong sách nói, họ phản đối những công ty sản xuất ra thứ hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, cũng là kẻ tạo ra vũ khí hủy diệt mang tên Dioxin trong chiến tranh là Monsanto cùng đồng bọn.

Monsanto (hiện đã về với tập đoàn Bayer) là nhà cung cấp cây giống biến đổi gen (GMO), hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, và từng là nhà cung cấp hóa chất diệt cỏ mang theo thành phần Dioxin đến chiến tranh Vietnam.

Đầu tháng 04/2019, chính phủ Vietnam cấm sử dụng glyphosate (một hoạt chất diệt cỏ) mà đa phần do Monsanto sản xuất, sự kiện này là do dư chấn vụ thắng kiện của một người đàn ông bị ung thư do sử dụng thường xuyên thuốc diệt cỏ tên Roundup mà thành phần chính là glyphosate.

(Dioxin là một hoạt chất phụ trong những thuốc diệt cỏ thế kỉ 20 (trong đó có chất độc màu da cam), được kiểm soát với tỷ lệ nhất định thì không gây phản ứng, nhưng không biết do “vô tình” hay “cố ý” mà thành phần này khi sử dụng trong chiến tranh Vietnam lại vượt quá mức cho phép, gây ra đau thương cho người dân Vietnam). Vậy mà ngay sau chiến tranh kết thúc, chúng ta lại nhập khẩu sử dụng số lượng lớn thuốc diệt cỏ, trong khi không rõ việc kiểm soát hoạt chất phụ trong thuốc diệt cỏ như Dioxin trong chất độc màu da cam có còn tiếp diễn hay không? Người tiêu dùng và nông dân như con chuột bạch, hồn nhiên sử dụng sản phẩm canh tác bằng hóa chất mà nơm nớp lo sợ không biết khi nào các công ty “vô tình” sản xuất lô hàng lỗi vượt quá mức cho phép hóa chất gây ung thư, mà dù có phát hiện cũng dấu nhẹm đi (như trường hợp của Monsanto). Và các nhà khoa học cứ liên tục khám phá ra những thành phần gây ung thư trong hóa chất, mà trước đó họ từng tin tưởng là vô hại, được phép lưu hành trên thị trường (điển hình là glyphosate).

Quay trở lại vấn đề và cuốn sách, hữu cơ (với những tiêu chuẩn của UDSA) hiện đang ngày càng “biến chất” so với lý tưởng ban đầu của nó. Những nông trại sản xuất thực phẩm hữu cơ với quy mô công nghiệp, cố gắng thay đổi “input” vô cơ thành hữu cơ, nhưng giữ nguyên năng suất, phong cách sản xuất công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của chuỗi siêu thị (output) như cũ. Có thể hình dung đây là một kiểu canh tác hữu cơ quy mô công nghiệp, nhưng những hiểm họa môi trường, cách canh tác độc canh, sử dụng lao động nhập cư vẫn giữ như cũ. Cuốn sách ví hoạt động công nghiệp hữu cơ như một người cố gắng làm cách mạng công nghiệp hóa, nhưng 2 tay bị trói sau lưng vậy, luôn nơm nớp về nỗi lo dịch bệnh, năng suất mà không được phép can thiệp quá nhiều.

Liệu đây có là giải pháp?
IV. Lựa chọn nào cho chúng ta? (hay là đường vòng cho canh tác nông nghiệp quy mô nhỏ)

“Phương thức cổ điển mà bất kỳ nhà sản xuất công nghiệp nào cũng sử dụng để hạ thấp chi phí sản phẩm là lấy vốn- công nghệ mới và năng lượng hóa thạch- để thay thế nhân công lành nghề và sau đó gia tăng sản xuất, tận dụng tính kinh tế nhờ quy mô để bu đắp cho lợi nhuận biên ngày càng thu hẹp.” - đoạn trích



Tác giả rất khôn ngoan khi toàn bộ cuốn sách gần 500 trang mà cố gắng không đưa ra một kết luận cụ thể, một luận điểm sắc bén, một quan điểm đấu tranh nào. Ông chỉ đơn giản là đóng vai một nhà báo, một giáo sư đại học, đi tìm lại nguồn gốc thực phẩm mà mình ăn, viết lại những trải nghiệm của mình, và chọn cho mình một lối đi phù hợp cho việc mua thực phẩm cho mình và gia đình. Ông không kỳ vọng hay đưa ra lời khuyên cho mọi người nên làm thế nào để thay đổi thực tại của người dân.

Nhưng phải chăng đây cũng là cái hay của cuốn sách, khiến nó trở thành một tư liệu để mọi người tham khảo, bàn tán và tranh luận?

Tuy nhiên, đứng ở góc nhìn là một người nông dân, từ lâu và sau khi đọc cuốn sách thì tôi cũng nhận ra rằng việc thay đổi cách canh tác nông nghiệp hiện nay là rất khó, nếu không muốn nói là viễn tưởng. Vì sự can thiệp quá sâu của kinh tế, vì những hóa đơn cần phải thanh toán, vì những đứa trẻ cần tiền để đến trường, vì bố mẹ chúng muốn có một cuộc sống khấm khá, bớt nặng nhọc hơn.

Và trên hết, tất cả những điều mà nông dân sản xuất thực phẩm sạch cố làm, dù nhỏ bé hay vĩ đại, suy cho cùng chỉ là...một bữa ăn mà thôi.

Chúng ta đơn giản là không cần thiết phải tham gia một cuộc chiến một sống một còn với nông nghiệp hóa chất, mà như Joel Salatin nói, chỉ đơn giản là...đứng ngoài cuộc chơi. Làm tốt việc của mình và cố thuyết phục người tiêu dùng với những lợi ích mà thực phẩm canh tác bền vững có thể mang lại, cho sức khỏe của họ, cho mùi vị thân quen của họ, cho môi trường, cho người nông dân....

Để sau cùng, những người nông dân, và người tiêu dùng có thể đỗi xử với nhau với cách thật tin tưởng, và nhìn thẳng vào mắt nhau... chứ không phải là qua cái nhãn siêu thị hay giấy chứng nhận hữu cơ.

Lâm Đồng, ngày 19/04/2019
Đừng quên vote ở đây nè:

  Hãy để lại ý kiến của bạn nhé!