Năm 2020 tôi từng đi thăm một số nông trại canh tác hữu cơ/phát triển bền vững tại Thái Lan, đây là một số kinh nghiệm và trải nghiệm mà tôi học được. Xin được trình bày cùng các bạn, hi vọng sẽ giúp ích cho một số bạn rút ngắn được hành trình phát triển bền vững.
Chuẩn bị
Bạn cần có một chút vốn tiếng Anh, và một balo đầy đủ quần áo, trang thiết bị cho hành trình trải nghiệm của bạn được diễn ra tốt đẹp.Bạn cũng cần một tinh thần cởi mở bởi vì bạn sẽ giao tiếp với các bạn bè từ quốc tế, có những thử thách khó chịu ví dụ như một số việc được giao bạn không muốn làm, một số tình nguyện viên khó ưa khác bạn không muốn giao tiếp. Nhưng nhìn chung mọi thứ sẽ tốt đẹp.
Chi phí sẽ bao gồm phí vé máy bay, chi phí đi lại, ăn uống. Đặc biệt khi bạn làm tình nguyện viên tại một số nông trại, họ sẽ thu phí khoảng 200 bath, cỡ khoảng 150k VNĐ cho việc ăn uống và ở lại nông trại.
Dĩ nhiên số tiền này chỉ là với tiện nghi tối thiểu (sẽ được đề cập trong bài viết), nếu bạn muốn ăn uống tốt hơn thì có thể nhờ chủ nông trại mua dùm để bạn tự phục vụ.
Về nơi ở

Nơi tôi ở có hình dạng như trên hình, căn chòi không có vách ngăn và được giăng sẵn một cái mùng và một tấm nệm. Nói chung là sẽ mát về ban đêm bởi thời tiết của vùng này khá nóng, chỉ hơi thiếu an ninh thôi, có lẽ nếu bạn là nữ thì nhìn sẽ hơi sợ.
Xui cho tôi là đêm đầu tiên tôi đến có mưa lớn, căn chòi mà tôi ở được lợp bằng cỏ tranh (một loại cỏ lá dài như lúa, khi khô rất chắc và được lợp là mái phổ biến ở Việt Nam ngày xưa, người ta gọi là nhà tranh vách đất).
Đêm đó mưa thấm xuyên qua mái nhà, lọt xuống tấm nệm mình nằm. Lạnh và khó chịu vì nước mưa rơi trúng mặt cả đêm =))

Trải nghiệm bão táp đêm đầu tiên, đúng nghĩa sống giữa thiên nhiên. Do đó khi xác định làm tình nguyện viên, bạn cũng cần xác định sẵn tinh thần.
Hành trình di chuyển

Địa điểm tôi ghé thăm có tên gọi là Sahai Nan, nằm ở vị trí phía Bắc của Thái Lan, giáp với biên giới Lào.
Để đi đến đây tôi chọn phương tiện di chuyển là xe bus giường nằm, lộ trình di chuyển khoảng 12 tiếng. Đến nơi cũng là tờ mờ sáng, tôi nhớ là mình đã đi bộ khoảng 6km từ trạm xe bus để đi đến farm.
Sahai có nghĩa là người bạn tốt, Tại Sahai Nan Farm, tôi đã có những trải nghiệm khó quên.
Đầu tiên khi đi bộ đến farm, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy 2 sư thầy đi bộ khất thực vào sáng sớm. Sau khi đến nhà một người dân thì chủ nhà mang theo cơm và đồ ăn ra đón 2 vị sư, người này quỳ xuống để dâng lễ.
Sau đó 2 sư thầy đọc một đoạn kinh để chúc phúc cho chủ nhà, và họ cứ đi tiếp như vậy.
Trải nghiệm này đã cho tôi thấy sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, vậy là tôi đã rời khỏi Bangkok với những đoàn kẹt xe bất tận.
Ăn uống
Nông trại sống theo hướng Permaculture, họ sinh hoạt với tối thiểu tiện nghi và sử dụng hết nguồn lực bên trong farm mà thôi. Chén bát được làm từ vỏ trái dừa, điện đến từ năng lượng mặt trời, ngay cả nguồn nước uống là họ cũng tự lọc lấy để sử dụng.Thức ăn mùa nào thức ấy. Nói chung với khẩu phần ăn với tôi thì hơi khó ăn, có lẽ là đang cao điểm mùa khô, vườn không có nhiều ngoài các loại đậu địa phương hơi cứng.
Nhưng lúa nương của farm trồng rất là ngon, tôi cực kì thích nhai cơm ở farm. Mấy hôm sau tôi được cử đi sát gạo để sử dụng, đối với máy sát gạo họ cũng sử dụng điện từ năng lượng mặt trời luôn, nói chung là rất tự cung tự cấp.




Ngày cuối tuần thì chủ farm sẽ chở cả bọn ra ngoài phố, nơi có phiên chợ họp hàng tuần. Mọi người tự mua đồ ăn cho bản thân và lúc về sẽ chia sẻ với nhau các thực phẩm mới lạ, coi như đỡ bị ngán hihi.
Làm việc
Tại nông trại vào mùa khô nên cũng không có việc gì nhiều, tôi chủ yếu thực hiện công việc ủ phân compost, và hỗ trợ chủ nông trại làm một số việc vặt. Đôi khi tôi sẽ ra vườn để trồng cây, cuốc đất, trồng các loại cây để bảo vệ đất trống trơ trọi.



Sau đó họ còn đốt trấu và tro để thả cho đất, đất đai sẽ đỡ bị "chua" (pH đất quá thấp) không tốt cho cây lúa.

Tôi có 1 ngày tham gia vào đội phòng cháy rừng của người dân địa phương, đoàn chúng tôi gồm khoảng gần 100 người. Chúng tôi có nhiệm vụ quét lá cây rừng khô rơi xuống đất để tạo hành lang chống cháy cho khu vực. Tôi không nhớ mình đã đi bộ bao xa, nhưng đó là một trải nghiệm thú vị đối với tôi về việc người dân địa phương giữ rừng cho chính họ chứ không đợi người khác điều động.
Tuy nhiên, năm đó Chiang Mai cháy lớn lắm, cháy lớn nhất trong lịch sử. Có lẽ do đó mà họ cũng lo sợ và đề phòng.


Học hỏi và Cảm nhận
Nhìn chung đó là một trải nghiệm thú vị đối với cá nhân tôi. Tôi được học và nhìn những người yêu quý môi trường và văn hóa bản địa, họ sống với lý tưởng của họ và quyết tâm hết sức bảo tồn nguyên tắc của mình.Tôi hỏi chủ farm là nhà nước không trợ cấp điện cho gia đình hả mà phải xài năng lượng mặt trời? Ông chủ nói với tôi 1 câu ngắn gọn "Họ có lắp, nhưng chúng tôi không muốn xài".
Tuy ghi nhận nỗ lực của họ, nhưng tôi cũng thấy có một số mâu thuẫn là máy bơm của họ sử dụng loại mô tơ xài xăng thay vì điện.
Tôi cũng nhìn vào trái tim của mình, thấy rằng tôi không muốn sống như vậy. Mặc dù tôi cũng yêu quý môi trường nhưng tôi không muốn giới hạn lựa chọn của mình.



Tôi cũng nhìn thấy đôi mắt buồn của ông chủ khi ông nhìn các mảnh đồi quê hương ngày xưa từng là rừng, nay đã bị người dân cạo trọc để trồng ngô biến đổi Gen, họ xịt thuốc diệt cỏ liên tục nên tất cả những gì còn lại chỉ độc một màu cát trơ trọi.
Tôi nghĩ rằng trên hành trình của mình, tôi nhất định phải làm kinh tế, tôi phải tìm được phương án sinh kế nào đó cho bản thân tôi được bền vững. Sau đó giúp các nông hộ khác cùng với tôi chuyển đổi sang canh tác hữu cơ và phát triển bền vững.
Mặc dầu vậy, tôi đã học rất nhiều về cách người ta tận dụng nguồn năng lượng miễn phí từ thiên nhiên để cho hoạt động nông trại, cách họ bảo vệ thiên nhiên thật đáng nể. Dưới đây sẽ là video ngắn tôi thực hiện đề cập cách họ làm than biochar, và một số hình ảnh trong nông trại. Mời mọi người cùng xem.

