Đồi Đá trước kia là một cái đồi toàn đá hơn 10 hecta đúng nghĩa, năm 2010 thầy đến và tiến hành bồi dưỡng, cải tạo khu vườn để có thể trồng Cacao, mang lại sinh kế bền vững cho nông dân và hồi sinh mảnh đồi này.
Để làm được việc đó, thầy gặp một số vật cản.
- Đất trồng sắn lâu năm, nghèo dinh dưỡng, bạc màu, trồng cây gì cũng không sống vì lượng hữu cơ quá kém.
- Thiếu nước khiến không thể chăm sóc được toàn bộ vườn cây.
Trong bài này tôi sẽ trình bày trước tiên về các kĩ thuật được thầy áp dụng để tăng độ màu mỡ của khu vườn, bài sau tôi sẽ trình bày về nước và quản lý nước.

Nhì Phân, Tam Cần
Trong những buổi đầu tiên, tôi được học về cách làm "Compost Tea" và cách làm cách làm "Đống ủ Compost".
Cả 2 khái niệm này đều không phải mới lạ với tôi, nhưng nó xa rời về mặt thực tế bởi vì tôi chưa thực sự làm nó một cách bài bản bao giờ, nếu không phải nói là tôi quá lười để thu gom các vật liệu và làm một cách nghiêm túc. Thường để tiết kiệm thời gian và công sức, tôi chọn bón phân bò đã được nông dân ủ sẵn hoặc mua phân hữu cơ từ cửa hàng, sau đó chỉ việc đưa vào vườn cà phê là xong.
Cách này có ưu điểm là nhanh và gọn, đối với farm chỉ có một mình tôi vận hành, không được sự trợ giúp từ người khác hoặc không có tiền thuê công lao động. Nhưng nhược điểm là chi phí đầu tư lớn, và tôi không thực sự tự chủ được nguồn phân bên trong nông trại, dẫn đến lãng phí nguồn lực bên trong nông trại, và nguồn gốc phân cũng không được bảo đảm 100%
Do tôi muốn làm phát triển bền vững, nên tôi nghĩ mình cần phải biết cách ủ phân, dù có mua phân bò ở bên ngoài (do farm của tôi rất khó nuôi vật nuôi và đất dốc, và kinh doanh dịch vụ nên phải hạn chế mùi hôi), thì phân chuồng do chính tay tôi ủ cũng sẽ đạt được chất lượng tốt và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Ủ phân có 2 loại, là Ủ nóng và Ủ nguội, trong phạm vi bài này tôi sẽ trình bày về phương pháp ủ nguội vì trong thực tế tôi được thực hành phương pháp này ở Stone Hill.
Phương pháp ủ nguội có lợi là giữ được chất dinh dưỡng ở trong đống ủ nhiều hơn.
Tóm gọn lại có thể mô tả quá trình như sau:
- Đầu tiên chuẩn bị các thanh tre hoặc củi để tạo khoảng cách mặt đất với đống ủ, giữ không khí lưu thông tốt từ dưới đi lên.
- Thêm một lớp vật liệu khó phân hủy như rơm, cây thân gỗ
- Thêm một lớp than hầm (biochar) mục đích giữ Kali (rơi xuống từ đống ủ) và vi sinh.
- Từ này cứ xếp 1 lớp cỏ/rơm 1 lớp phân tươi/khô, lớp nào cũng cần tưới nước để giữ ẩm. Có thể đan xen các vật liệu như rác hữu cơ nhà bếp
- Lớp trên cùng phủ một lớp đất canh tác để giữ Ni tơ (tôi nghĩ thế) và giữ ẩm. Thực tế thì tôi thấy mọi người phủ baonilon đựng phân bò.
- Khi đống ủ cao khoảng 1m5 là vừa, cắm một cái cây tre đựng nhiệt kế ở giữa đống ủ để kiểm tra nhiệt độ.
Trong 2-3 tuần đầu tiên đống phân sẽ nóng lên ở khoảng 60-70 độ C, các tuần sau đó thì hạ nhiệt xuống 20-30 độ C để cho nấm và các phản ứng vi sinh khác hoạt động.



Làm Compost Tea
Cái này thì trong thực tế tôi thấy rất ít người làm vì tốn công cực kì và phải tỷ mẩn, trong khi độ hiệu quả thì khó làm ở diện tích lớn vì vi sinh thì khó kiểm soát, đụng tý là nó chết.
Tuy nhiên nó ở trong học phần của tôi, nên tôi cũng ráng học cho hết. Để dành cho 3 mục đích nếu vườn của tôi có hiện tượng:
- Cần tăng sức khỏe của đất, tăng độ màu mỡ, đa dạng vi sinh. Với đất quá đỗi khô cằn, cần tăng độ màu mỡ của đất thì đây là một cách tốt nhất có thể chọn lựa.
- Cần ức chế các bệnh của cây trồng vì sự mất cân bằng nấm bệnh
- Tôi nghèo, không có tiền làm quy mô lớn thì cái này rất rẻ nhưng hiệu quả chi phí cao.
Cách làm về cơ bản như thế này:
- Bạn đi lấy một ít phân trùn sống (không phải loại sấy khô đóng bao bán) ở các trại trùn. Hoặc đi moi trong rừng hoặc chỗ đất màu mỡ có phủ một lớp lá khô, móc phần đất màu mỡ nhất đem về.
- Chuẩn bị thùng nước, tỷ lệ là 1:5 đối với đất màu mỡ và 1:10 đối với phân trùn.
- Chuối chín xay sẵn hoặc đường mía nguyên chất (không nhiễm lưu huỳnh).
- Đổ tất cả đống hỗn hợp trên vào thùng chứa, khuấy khuấy lên
- Chuẩn bị máy xục khí và cắm vòi xuống để xục khí, kích thích hoạt động sinh sản của VSV ở trong thùng nước.
Xục khoảng 24-48 giờ liên tục thì các vi sinh vật hiếu khí (không phải yếm khí - đa phần là có hại) sẽ nhân sinh khối và phát triển mạnh mẽ. Bạn đem cái đó ra tưới ngoài vườn và che ủ cẩn thận, nhiều lần và nếu giữ nhiệt độ và đổ ẩm thuận lợi thì cây và vườn của bạn sẽ phát triển mạnh mẽ, kích thích lại hệ vi sinh vật đất.
Kiên trì như vậy khoảng 10 năm, chúng ta sẽ biến Đồi Đá trở lại thành Rừng


Than hùn
Đây là phạm vi ngoài bài giảng chính thức của tôi, nhưng thầy có nói qua nên tôi có gom góp ghi chép trở lại.
Đại khái là để cho quá trình bón phân hữu cơ và nuôi vi sinh vật được thuận lợi, chúng ta cần chuẩn bị : Than hùn (biochar)
Theo lý thuyết thì 1 hecta cần khoảng 100 tấn than hùn thì nó sẽ tồn tại mãi mãi ở trong đất và giúp hệ vi sinh lẫn hoạt động bón phân hiệu quả hơn.
Để đốt than, có nhiều cách khác nhau, nhưng khi ghé nông hộ học cách làm, tôi thấy họ đào cái hố xong đốt ở dưới đó luôn, khỏi mắc công làm với thiết kế làm chi cho mệt, đất mình nhiều mà ahihi =))
Chỉ có điều đất ở khu đó có khả năng sẽ bị "chết", nhưng chắc không sao đâu.

Một vài cảm nghĩ của tôi
Nói thật thì ngay từ buổi đầu tiên tôi đã hỏi thầy Phước như thế này: Nếu như em nghèo/nếu như em chỉ có một mình thì phải làm như thế nào?
Thầy đáp rằng thầy có tiền nên một lần làm phân có thể chở cả xe, nếu anh nghèo thì chở xe máy, hoặc vác về để làm. Có tốn chi phí gì đâu? Nhà mình nghèo mà, nghèo thì phải siêng.
Nếu bạn làm nghề nông và đọc bài này, sẽ ngờ ngờ nhận ra rằng bài toán làm phân compost hoặc compost tea rất dễ là LỖ NẶNG nếu đầu tư tiền bạc và công lao động vào đó.
Trong khi đó số lượng và quy mô, thời gian của đống ủ không cung cấp đủ cho toàn farm nếu không phải chủ nông trại tự tay làm, nếu thuê công lao động thì lỗ là cái chắc.
Trong phạm vi nông trại Midori Coffee Farm, tôi còn nỗi lo khi ủ nguội thì các mầm bệnh rỉ sắt vẫn còn ở trong cây cafe nên tôi sẽ ưu tiên ủ nóng kết hợp ủ nguội (trộn 2 vật liệu) để tăng thời gian và hiệu quả của việc bón phân của tôi.
Còn đối với Biochar (Than hun) thì tôi cứ đốt cho vui từ từ, chả tốn công là mấy vì chỉ có mỗi công tôi làm.
Sau khi tính toán, đối với nông trại cà phê của tôi cần khoảng 34 tấn phân chuồng/hecta/năm và cần khoảng 100 tấn than hùn (nhiều nhất có thể)
đối với compost tea, tôi sẽ làm thử cho vườn rau vì tôi tưới nước ẩm thường xuyên cho nó, hạn chế sâu bệnh tốt hơn vì cây cafe ít bệnh.
sau khi thiết kế xong hệ thống tưới tự động ở vườn cafe, tôi sẽ thực hành bổ sung compost tea sau đó tính tiếp.

Trên đây là ghi chép của tôi về hoạt động tôi học được ở Stone Hill, cách biến Đồi Đá thành Rừng trở lại; tôi hi vọng bạn đọc tiếp thu được một số kinh nghiệm thực chiến của một người thầy đã có kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm thông qua góc nhìn của một người nghèo làm thực chiến như tôi.
Nhiều bạn đọc ôm giấc mộng nông nghiệp thuận tự nhiên có lẽ sẽ không đồng tình với tôi vì truyền thông (PR) hiện tại nói quá nhiều về việc (sống thuận tự nhiên - không làm mà vẫn có ăn) nhưng bài viết này thì làm nhiều quá. Tôi cũng sẽ không có ý kiến phản bác gì hết vì cơ bản thực tế cuộc sống yêu cầu như vậy. Quan điểm của tôi là nếu bạn đã thực sự quản lý một nông trại quy mô lớn, nuôi nhiều miệng ăn, thì bạn và tôi đều có trách nhiệm kiểm tra bất kì triết lý nào cũng phải được trui rèn dựa trên lý luận thực tiễn.
Cảm ơn và mến chào bạn, nếu bạn thích bài viết, hãy tương tác và share để động viên, nếu thích hãy đến farm và giúp tôi một tay.
Trân trọng mến chào,
Huy