Lý do tôi tìm đến đây cũng vì tình cờ, do tôi muốn đến Bolaven Cafe như ở bài viết trước, nhưng search một hồi lâu thì tôi nhận ra Bolaven là tên của cao nguyên, và họ có nhiều quán cafe khác nhau.
Đối với chuyến đi lần này, tôi chọn bỏ qua các nông trại cà phê hữu cơ vì 2 lý do chính:
- Nó xa và không có cùng trên lịch trình di chuyển của tôi.
- Lần này là chuyến thám hiểm của tôi về những điều mới mẻ, cách người Lào ứng xử giữa giữ gìn văn hóa và hiện tại hóa, đối với tôi một nông trại hữu cơ nếu cứ giữ khư khư cách làm của mình thì cũng đáng được tôn trọng, nhưng không đáng để tôi tham khảo trên hành trình này.
Tuy nhiên, quán Lak 40 là một ngoại lệ, họ không nói họ canh tác hữu cơ nhưng mô hình của họ cũng tương tự với cách của tôi làm và được khá nhiều review tốt. Họ có quán cafe, có vườn, có homestay; và quan trọng nhất thông qua website, tôi biết họ nằm trong (hoặc đại diện) một tổ hợp tác xã nhiều nông hộ cà phê nhỏ hợp lại.
Do đó mà tôi quyết định đến đây để xem làm sao họ mang cafe của họ ra thế giới.

Concept thiết kế kiểu ấm cúng, đơn giản của nông trại khiến tôi cảm thấy có cảm giác thân thuộc. Đến đây bạn sẽ gặp ngay quầy bán cafe và trà của họ, được làm bằng vật liệu tự nhiên, nằm trong một không gian nhiều cây xanh, um tùm và mát mẻ, có đôi chút cũ kĩ.
Tôi đã nhìn thấy họ có bán tour 5$/người tham quan nông trại, trước đó tôi cũng hỏi họ về tour tham quan nông trại thông qua facebook, tuy nhiên họ báo rằng 20$/người và tối thiểu 5 người tham gia. Tôi nhìn thấy có sự mâu thuẫn nên quyết định không hỏi trực tiếp nữa mà sẽ tự đi tham quan.

Xung quanh nông trại, họ thiết kế theo dạng vòng tròn, bạn đi một vòng là có thể quay lại địa điểm xuất phát. Tôi học được cách họ trình bày khu vườn của mình trong tình trạng thiếu nhân lực nói tiếng Anh và có thể nhân viên không được niềm nở.
Trên hành trình tôi bắt gặp các bảng chỉ dẫn và trình bày về những thứ trước mắt du khách là gì: Ví dụ như đây là cây trà, đây là cây chanh, đây là cây mắc ca, đây là cây cafe, đây là nơi ủ phân compost, đây là nơi sơ chế cafe..v.v
Từ những thứ này khách hàng dễ cảm thấy hiểu và hào hứng hơn trong việc thăm nông trại, và một mặt nào đó sẽ kích thích quá trình mua hàng.

Giống cây trồng và lối canh tác
Như bài viết trước, tôi có trình bày rằng ở Lào, họ trồng cà phê năm 1920 và đã có những gốc cây hàng trăm năm tuổi. Tại Lak 40 này bạn dễ nhìn ra những gốc cây khổng lồ như vậy, thoạt đầu trong đầu tôi nghĩ rằng kĩ thuật canh tác của họ thật lạc hậu, tại sao không nhổ lên và tái canh giống ở Việt Nam để đạt năng suất lớn.
Sau đó tôi nghĩ rằng có lẽ họ giữ lại làm kỉ niệm, hoặc đó là cách họ trồng và chăm sóc cây cà phê.
Đối với những gốc cây này, họ sẽ nuôi chồi và cây có thể đạt tới trên 3m, sau đó họ sử dụng một cây gậy để níu cành cafe xuống và mới hái. Ở Việt Nam, chúng tôi thì lại tỉa cành và bấm đọt để cây luôn ở vị trí thấp, dễ hái và dễ chăm sóc, năng suất tập trung.
Âu cũng là một kiểu lối canh tác.


Lối bán hàng
Ở Lak 40, họ khá thành công ở chỗ vị trí của họ thật sự là một địa điểm dừng chân lý tưởng cho những ai ghé thăm các thác nước gần đó (ví dụ như Tad Fane), khách du lịch di chuyển bằng xe máy hoặc xe du lịch 16 chỗ có thể dừng chân uống cà phê, mua hàng.
Trong một bối cảnh mà người dân Lào ít cách biết buôn bán thương mại, thì ở Lak 40 họ đã biết cách trưng bày cho khách du lịch biết về cà phê, và khách hàng có thể mua sản phẩm của họ về làm quà. Trong khi đó nếu ở Việt Nam hoặc Thái Lan, họ sẽ phải đối mặt với hàng tỷ lựa chọn, không nhất thiết là cà phê.
Trong quầy của họ cũng trưng bày nhiều mẫu hạt cà phê, mà ở đó trong những thời điểm không thu hoạch cà phê, khác cũng dễ nhận ra và hiểu được cây cà phê và trái cafe trông như thế nào.

Một điều tôi không thích là họ cũng bán quần áo có hình và họa tiết bản địa, giá khá mắc và chất lượng cũng không phải là tốt (chủ yếu cotton). Chúng tôi và các khách khác khi ghé qua chỉ ngó một tý và lờ đi luôn chứ không mua nữa, có lẽ nếu họ chịu đầu tư hình ảnh, video về trang phục bản địa phục vụ người dân như thế nào, hoặc quy trình làm ra một tấm vải 100% thủ công, dù mắc thì chắc chắn vẫn sẽ có người mua.
Có vẻ họ chỉ muốn tận dụng độ nổi tiếng của mình để thu tiền mà thôi, mà không tạo được giá trị cho khách hàng và cũng không tìm hiểu xem khách hàng muốn gì.

Trên đây là những dòng ghi chép ngắn của tôi về hành trình tôi ghé thăm cộng đồng người làm cà phê ở Bolaven, hi vọng tôi và bạn có thêm một góc nhìn về cách người dân Lào đối diện với sự phát triển hiện đại và tìm ra cách để bảo tồn văn hóa lẫn lối canh tác truyền thống.
Cảm ơn bạn, hẹn gặp lại và mến chào,
Huy